Ai cũng biết dân xứ Thanh có giọng nói "rất nặng", giọng nói không được trong trẻo, nhẹ nhàng và chuyện nhầm dấu hỏi, dấu ngã là hết sức bình thường. Nhưng cũng không phải ai cũng biết có những câu, những từ mang nhãn hiệu "hàng độc" của người Thanh Hóa mà làng tôi là đặc trưng nhất cho loại hình ngôn ngữ này. Tất nhiên xin kể ra một vài câu chữ mang tính chất giải trí và cho thấy sự đa dạng của ngôn ngữ Việt Nam chứ không có hàm ý chê giọng nói người dân quê mình. Ông bà đã có câu thường dành cho những người đi xa câu "chém cha không bằng pha tiếng" nên cháu đây không dám và cũng không có ý chê bai.
Ở quê tôi thì không có khái niệm dấu ngã khi phát âm, vì không thể phân biệt được, tuy nhiên khi viết thì rất đúng chính tả. Sự nhầm lẫn về dấu, về chất giọng phát âm là mọi người dễ nhận biết nhất nhưng còn một cái nhầm nữa khi nói đó là nhầm về vần, ví dụ: tên cố ấy là "Liên" thì quê tôi nói là "Lin" hay "Kiên" là "Kin"...Xin đưa ra một số câu mà giờ nhắc lại bản thân tôi vẫn thấy buồn cười: Răng mi đâm vô đích tau-Sao mày tông vào đít tao; Viền lanh không trời tún-Về nhanh không trời tối; Cẳn thặn không chết đún-Cẩn thận không chết đuối; Nhà choa và nhà bay-Nhà tao và nhà mày; Bữa mô mi viền-Hôm nào mày về; Mi có tinh không-Mày có tin không(nghe câu này hơi ghê); Thằng tuyệt tê-Thằng ôn kia; O đi mô đớ-Cô đi đâu đấy...đó là một số câu mang tính thông dụng còn về từ thì có rất nhiều mà khi nói ra nhiều người ở địa phương khác không hiểu được:
Con muỗi-con moản, cái mũi-cái mủn, cái lưỡi-cái liển, cái môi-cái mui, chị gái-chậy gái, đi cấy-đi cấn, đi gặt-đi cắt, uống thuốc-tiêu thuốc, đám cưới-đám cướn, thịt trâu-thịch tru, cái chậu-cái chạu, cây cói-cây lác, đi chăn trâu-đi giử tru...
Đối với nghĩa của một số từ cũng có sự khác nhau, ví dụ: từ Đéo ở miền Bắc thì từ này chỉ đơn thuần là văng tục, chửi bậy nhưng khi bắt đầu vào đến Thanh Hóa từ này còn mang hàm ý nói về quan hệ tình dục giữa hai người.
Nói đến ngôn ngữ Việt Nam là nhắc đến sự đa dạng và đó cũng là đặc trưng của vùng miền. Do đó việc hiểu từ ngữ của các vùng cũng là việc hết sức quan trọng cho mỗi chúng ta, đặc biệt là các nhà văn hóa học và dân tộc học. Có hiểu được thì chúng ta mới thấm được cái văn hóa của vùng đó và hiểu được sẽ tránh được những tình huống dở khóc, dở cười.