Hạnh phúc dài lâu

Hạnh phúc dài lâu
Thì thầm em hỏi nhỏ, Sao mặt hồ gợn sóng? Anh trả lời lấp lửng, Vì sóng cứ hôn bờ, Em nũng nịu ứ ừ, Khác cơ không phải thế, Anh nghiêng nhẹ mái đầu, Hôn môi em nồng cháy, Em ơi em có thấy, Sóng đang dậy trong tim

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

NGHÈ NGỌC NHỊ (Xã Quảng Vọng)

Quảng Vọng là xã nằm về phía Nam huyện Quảng Xương, gồm 3 làng: Ngọc Nhị, Văn Sơn và Phúc Tâm, phía Đông giáp xã Quảng Trường, phía Tây giáp xã Quảng Phúc, sông Yên bao quanh địa phận của xã từ phía Nam sang phía Tây và là ranh giới giữa 2 huyện Quảng Xương và Nông Cống. Thôn Ngọc Nhị ngày nay, thời Lý - Trần gọi là Ngọc Nhị khu thuộc trang Ngọc Lịch; đến Thời Lê - Nguyễn gọi là thôn Ngọc Nhị thuộc xã Ngọc Lịch, tổng Ngọc Đới, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, xã Ngọc Lịch sáp nhập với xã Ngọc Đới gọi là xã Quang Phục, huyện Quảng Xương. Từ sau năm 1954,xã Quang Phục chia thành 2 xã Quảng Phúc và Quảng Vọng. Ngày nay, làng Ngọc Nhị thuộc xã Quảng Vọng.
Xưa nay, dân làng Ngọc Nhị rất tôn sùng ngưỡng mộ và tôn thờ hai vị thành hoàng làng là: Hồng Thánh Đức uy Vũ dũng Đại vương Nguyễn Hồng, danh tướng thời Lý (nhân thần) và vị thần là Thiên thần. Hai vị thần được thờ chung trong một ngôi đền, nhân dân địa phương thường gọi là Nghè.
Về danh tướng Nguyễn Hồng: Trong bản “Phả tích Ngọc Nhị” do Đại học sĩ Nguyễn Bính biên soạn năm Hồng Đức năm đầu (1470) đời vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497), về sau Lễ bộ Thượng thư Nguyễn Hiền phụng sao năm Vĩnh Hựu thứ 3 (1737) cho biết: Nguyễn Hồng, người làng Ngọc Nhị, sinh vào giờ Tý, ngày mùng Hai tháng 6 năm Nhâm Tuất (?). Thân phụ của ông là Nguyễn Nghiêm “chỉ ham mê đèn sách”. Thân mẫu là Phạm Thị Toàn ‘làm nghề buôn bán tôm cá” để kiếm sống.
Thuở thiếu thời, ông có tướng mạo khác thường “mặt vuông, tai to, tay dài, thân cao 7 thước”. Lớn lên, ông “học hành thông minh, thiên tư dĩnh ngộ, thiên sử bách gia, không có gì là không thấu hiểu”. Năm 21 tuổi, ông tỏ ra là người “văn chương thông tường, võ nghệ thành tài, mưu trí thao lược”. Tiếng tăm về ông vang đến tận triều đình. Nhà vua liền cho vời ông vào triều yết kiến. Thấy ông “diện mạo phi thường, tài danh chấn thế”, Nhà vua bèn phong cho ông làm Đô uý, Thái bảo, rồi sai ông đi trấn thủ hai trấn Thanh Hoa và Nghệ An.
Bấy giờ ở trấn Thanh Hóa, Nghệ An nạn trộm cướp nổi lên nhiều nơi, đe dọa cuộc sống bình yên của dân thường. Nghe tiếng ông đến cai quản trong vùng, bọn trộm cướp phải qui phục, không dám hoành hành trắng trợn như trước. Vùng biên giới nước ta ở phía Nam, giặc Chiêm Thành thường xuyên xâm lấn đất đai, cướp đoạt tài sản của dân, Nhà vua trao cho ông “tiết việt”, phong làm Phụ quốc Thái uý, dẫn quân đi đánh dẹp. Khi đi qua làng Ngọc Nhị, ông bị lâm bệnh đột ngột rồi mất vào ngày 11 tháng 11 (không rõ năm). Nghe tin ông mất, Nhà vua rất thương tiếc, liền sai các quan trong triều về làng Ngọc Nhị làm lễ an táng và phong tặng là “Bậc công thần có công to lớn với nước với dân”, lại cấp 37 quan tiền cho dân làng dùng vào việc hương hỏa và ban sắc phong tặng ông là “Đương cảnh Thành hoàng Hồng thánh đức uy vũ dũng Đại vương”, cho phép dân làng thờ phụng thần theo điển phép nhà nước. Đến thời hậu Trần, vua Trần Quý Khoáng (1409 – 1413) có lần đi qua làng Ngọc Nhị đã vào Nghè mật cầu rất linh ứng và gia tặng cho thần là “Thượng Thượng đẳng Phúc thần”. Từ đó về sau, các triều vua Lê và Nguyễn đều ban sắc phong tặng.
Về sự tích vị Thiên thần, đến nay chưa tìm thấy tài liệu nào ghi chép cụ thể. Trong 7 tờ sắc phong thời Nguyễn phong cho thần là “Đương cảnh Thành hoàng bảo dân, hộ quốc, bậc trung đẳng thần”, với các mỹ tự “cảm ứng tối linh thánh tích hựu suy ân đức quảng phù vận thệ, nối trải trợ quốc cứu dân, thuần cảm trinh khiết, mẫu tích đoan chính, thông minh chính trực. Bản miếu nguyên tặng Đô minh, chính đại, huyền diệu thanh hư, gia tặng Linh phù dực bảo trung hưng Thiên thần,Trung đẳng Thần”.
Theo “Phả tích Ngọc Nhị”, nghè Ngọc Nhị “ Dựng ngồi phương Quí, hướng Đinh”, tức hướng Nam, trên khu đất cao ráo, thoáng đãng ở rìa làng Ngọc Nhị. Ngôi mộ của Ngài mặt nhìn hướng Đông, cách phía tây Nghinh môn khoảng 70 m, trong quần thể của khu di tích hiện nay.
Về quy mô kiến trúc của Nghè trước đây: Gồm nhà tiền đường và chính tẩm bố cục theo hình chữ “Đinh”. Phía trước tiền đường có bái đường (sân nghè), hai dãy nhà tả vu - hữu vu, bình phong và nghinh môn hai tầng tám mái. Chung quanh nghè có tường bao che. Nhà tiền đường 5 gian, 2 chái, kết cấu vì kèo theo kiểu “chồng rường - bẩy kẻ”. Đề tài trang trí trên các thành phần kiến trúc là: Long- Ly- Quy- Phượng, hoa lá cách điệu. Đầu phía Tây và phía Đông có chạm hổ phù. Trong nhà tiền đường bài trí bàn thờ Hội đồng bằng đá, tiếp đến là bàn thờ bằng gỗ cao hơn bàn đá, có đôi hạc đứng trên lưng rùa đứng hai bên. Hai bên bài trí bộ bát bửu; phía trên có treo bức Đại tự ghi 3 chữ Hán: “Đức Kỳ Thịnh”. Ở gian chái phía Tây để rương kiệu, trong rương kiệu để 2 bộ quân cờ người. Tiếp gian chái để dường cầu: dài 4m, rộng 2m. có 3 tầng để phân tầng vai vế để ngồi. Gian chái phía Đông để nhạc lễ, gian kề đó là nơi chia phần. Nhà chính tẩm có 3 gian, là nơi để h¬ương án, bàn thờ, long cung. Trong long cung có long ngai, Thánh vị, đôi hài quan võ, mũ, áo và long đao. Ở nhà chính tẩm có hai chiếc đẳng, một chiếc chóe đựng nước chuyên dùng để lấy nước cúng tế. Tr¬ước Nghinh môn cách về phía Nam 3 m có bức bình phong, mặt phía Nam có 2 con Hổ chầu, phía trong có đôi Rồng.
Hiện nay, kiến trúc Nghinh môn hai tầng tám mái, các đầu đao uốn cong, bia ký, vẫn được bảo tồn nguyên trạng. Cùng với kiến trúc Nghinh môn, trên nền bái đường (Sân) con 2 tấm bia đá. Tấm bia thứ nhất (cao 1,35 m, rộng 0,64m, dày 0,05m) ghi đức nghiệp của Thần, bia đựng trên bệ đá hình chữ nhật, nhiều chữ, hoa văn trang trí quanh rìềm bia đã bị mờ. Bia thứ hai (cao 1,3m, rộng 0,68m, dày 0,10m) ghi tên những ng¬ười cung tiến trong việc xây dựng Nghè. Trán bia trang trí “ Mặt hổ phù”, riềm bia trang trí hoa cúc dây cách điệu. Bên cạnh đó còn một số chân tảng đá hình bầu đèn, bát h¬ương đá, cột đá, sạp hương án bằng đá (rộng 1,35m - dài 1,72m - dày 0,12m), các thềm rồng bằng đá.
Trong số đồ thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng như Long ngai, Bài vị, Kiệu Long đình… đáng chú ý nhất là chiếc Hương án. Về kích thước, hương án dài 2m, cao 2m, rộng 0,85m, bố cục thành 3 tầng, mỗi tầng đ-ược chia thành các ô nhỏ, trong mỗi ô đều chạm nổi hình tứ quí: Long - Ly - Qui - Phượng và hoa lá cách điệu, nghệ thuật chạm khắc tinh xảo, đường nét phóng khoáng, mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Có thể nói, Hương án nghè Ngọc Nhị là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc hoàn mỹ còn được bảo tồn nguyên vẹn.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đặc biệt do yêu cầu mở mang tuyến giao thông liên xã theo qui hoạch phát triển nông thôn ở những năm 70 của thế kỷ này, qui mô của Nghè bị thu hẹp lại. Nhà chính tẩm (nơi đặt Long cung, Long ngai, bài vị của hai vị thần) nằm đúng vị trí con đường mới buộc phải tháo dỡ. Vì thế, toàn bộ đồ thờ như long ngai, bài vị, hương án… phải dồn chất vào Nghinh môn. Từ đó dân làng Ngọc Nhị lấy Nghinh môn của Nghè làm nơi thờ tự, tế lễ. Một số đồ thờ dễ bị hư hỏng phải gửi vào các nhà thờ họ trong làng để bảo quản, đến kỳ Đại lễ mới bài trí ở Nghinh môn để tế thần.
Tuy nghè Ngọc Nhị không còn nguyên vẹn như xưa, nhưng những gì còn lại là bằng cứ lịch sử hùng hồn chứng minh truyền thống lịch sử, văn hóa trí thông minh và tài sáng tạo của người dân Ngọc Nhị trong quá trình dựng nước và giữ nước. Đó là những di sản văn hóa rất đáng được bảo tồn để phát huy tác dụng như Luật Di sản văn hóa đã ban hành.

Nghè Ngọc Nhị đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 54/QĐ-VHTT ngày 22 tháng 02 năm 2000 của Sở Văn hóa - Thông Tin tỉnh Thanh Hóa (nay là Sở Văn hóa,Thể Thao và Du lịch). Đến năm 2004, nghè Ngọc Nhị đã được tu sửa, tôn tạo bằng nguồn vốn của Nhà nước và địa phương với tổng kinh phí gần 150 triệu đồng. Hiện tại đã phục hồi được nhà tiền đường, nhà chính tẩm để có nơi đặt đồ thờ và có vị trí cho nhân dân thắp hương, tổ chức lễ hội.
Hàng năm, cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương, và con em xã Quảng Vọng đang học tập, công tác, sinh sống ở mọi miền Tổ quốc vẫn tiếp tục đầu tư, hỗ trợ kinh phí để trùng tu tôn tạo khu di tích. Chính vì vậy, quy mô của Nghè được mở rộng với diện tích 2104m2. Năm 2008, xã Quảng Vọng đã đầu tư 13 triệu đồng xây dựng ngôi mộ của Tướng quân Nguyễn Hồng (xây bao xung quanh ngôi mộ), diện tích 12m2. Hiện tại đang được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa quan tâm giúp đỡ đầu tư gần 2 tỷ đồng trùng tu tôn tạo khu di tích nghè Ngọc Nhị. Hàng năm, địa phương tổ chức lễ hội với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống nhằm phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa trong sự nghiệp xây dựng xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh như Nghị quyết của Đảng đã đề ra.