(HNM) - Trong khi nhiều thư viện công cộng được đầu tư tiền triệu, tiền tỷ, được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, đào tạo cán bộ phục vụ… phải đi tìm bạn đọc thì hệ thống thư viện tư nhân, tủ sách gia đình, dòng họ lại phát huy hiệu quả hơn cả mong đợi.
Từ thực tế đó, Bộ VH,TT&DL vừa kêu gọi toàn xã hội quan tâm tới thói quen đọc sách, phát triển vốn văn hóa đọc thông qua mô hình "Tủ sách gia đình","Thư viện thân thiện".
Nhu cầu đọc của người dân
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Sách Thái Hà cho hay: "Nếu như những năm trước, đến gia đình nào, công ty nào tôi cũng thấy người ta dành một vị trí trang trọng để bày rượu thì hiện nay, tủ rượu đã được thay bằng tủ sách. Tôi nhận được "đơn đặt hàng" nhờ tư vấn xây dựng tủ sách văn hóa của các gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư, thậm chí là doanh nghiệp nhiều đến mức việc tư vấn của tôi bận hơn cả công tác quản lý. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi khi các phương tiện nghe, nhìn, internet phát triển như hiện nay thì người dân Việt Nam ta vẫn rất quan tâm, trân trọng thói quen đọc sách, báo". Ông Hùng cho biết thêm, có những địa phương thuần nông như xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn (Ninh Bình), 28 gia đình nông dân đã "liên minh" với nhau bằng cách góp sách để thành lập tủ sách phục vụ nhu cầu đọc sách cho bà con trong xã. Hay như ở các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Sóc Trăng… hàng chục gia đình sẵn sàng bỏ ra từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng xây dựng các tủ sách, vừa đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin, tri thức của gia đình, cộng đồng, vừa nêu gương sáng cho phong trào đọc sách ở cơ sở…
Nhìn vào những tủ sách gia đình hoạt động bền bỉ hàng chục năm qua sẽ thấy, đây là một trong những mô hình hiệu quả nhằm gìn giữ và phát huy văn hóa đọc trong cộng đồng dân cư. Điển hình như thư viện nhà ông Thăng, xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ (Hưng Yên). Hơn 20 năm hoạt động, thư viện của ông hiện có hơn 9.000 đầu sách, báo, mở cửa phục vụ miễn phí từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, đón 20-30 lượt bạn đọc/ngày. Một tủ sách gia đình khác được rất nhiều người biết đến là "thư viện" của GS.TS Phạm Đức Dương ở căn hộ C4-35 Kim Mã Thượng, phường Cống Vị, Ba Đình (Hà Nội). Thành lập từ năm 1998, đến nay, thư viện thầy Dương có hơn 10.000 cuốn sách, hơn 50 loại báo, tạp chí tiếng Việt và nước ngoài cùng hơn 400 luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, phục vụ miễn phí sinh viên, nghiên cứu sinh, cán bộ giảng dạy ở Hà Nội tất cả các ngày trong tuần.
Theo thống kê, cả nước hiện có 46 thư viện tư nhân và hàng trăm tủ sách gia đình. Con số này đang tăng dần hằng năm.
Thư viện công cộng… ế
Ngược lại với xu hướng phát triển của thư viện tư nhân, tủ sách gia đình, hệ thống thư viện công cộng ngày càng teo lại do lượng bạn đọc ít. Một thư viện quốc gia; 63 thư viện cấp tỉnh, thành phố; 613 thư viện cấp huyện và gần 2.000 thư viện cấp xã trải đều khắp cả nước hiếm khi kín chỗ. Chẳng hạn như thư viện tỉnh Quảng Ninh với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ cán bộ phục vụ nhiệt tình nhưng có những ngày chỉ đón một vài bạn đọc. Chị Nguyễn Thị Tuyết Lan, Trưởng phòng Công tác bạn đọc, Thư viện tỉnh Quảng Ninh khẳng định, ngày đông nhất thư viện cũng chỉ có khoảng 30-40 người đến mượn sách. Cùng "cảnh ngộ", năm 2010, trung bình mỗi thư viện cấp huyện ở tỉnh Nam Định chỉ có 200 độc giả đăng ký thẻ, 9.400 lượt người đến đọc sách, tra cứu tài liệu.
Theo lý giải của nhiều cán bộ trong ngành thì đa số thư viện công cộng nằm ở các khu trung tâm, người dân có điều kiện hưởng thụ văn hóa thông qua nhiều kênh thông tin khác, trong khi thư viện lại có những quy định về quản lý sách báo, với lịch mở cửa gò bó, khiến bạn đọc không còn hứng thú. Thư viện tư nhân hay tủ sách gia đình được sinh ra từ nhu cầu có thực của gia đình, cộng đồng hay một nhóm đối tượng bạn đọc đặc thù (thư viện nhà ông Thăng dành cho bà con nông dân nghèo, thư viện thầy Dương dành cho sinh viên, nghiên cứu sinh) nên lượng bạn đọc luôn ổn định. Mặt khác, thư viện tư nhân mở cửa tất cả các ngày trong tuần, không bó buộc về giờ giấc, người trông coi thư viện cũng vì bạn đọc mà phục vụ tận tình, chu đáo nên bạn đọc có thể đến ngoài giờ học, giờ làm. Ông Bùi Đình Thăng, "giám đốc" thư viện của nhà chia sẻ: "Để có lượng sách phong phú, tôi đến các cơ quan, đơn vị mượn, xin sách về cho bà con. Hiểu tấm thịnh tình của tôi, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã tặng tôi nhiều cuốn sách quý". Tương tự, GS.TS Phạm Đức Dương kể: "Khuyến khích các em sinh viên khám phá kho tàng tri thức, tôi thường xuyên hướng dẫn cho các em lựa chọn sách đọc và cách đọc sách sao cho hiệu quả; đồng thời tổ chức các cuộc hội thảo khoa học để sinh viên yêu sách hơn". "Sự tận tình, sáng tạo phục vụ bạn đọc như ông Thăng, thầy Dương rất hiếm thấy ở các cán bộ thư viện được hưởng lương" - ông Nguyễn Hữu Giới, Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện nói.
Với vai trò quản lý cấp vĩ mô, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ trưởng Vụ Thư viện khẳng định: Thư viện tư nhân hay tủ sách gia đình thực sự có ích trong đời sống sinh hoạt của người dân nên rất cần sự chung tay đóng góp của cộng đồng để lượng sách báo được bổ sung thường xuyên, liên tục. Hơn thế, nhìn vào hiệu quả hoạt động của thư viện tư nhân, tủ sách gia đình, Vụ Thư viện sẽ nghiên cứu và tìm ra hướng phát triển phù hợp cho thư viện công cộng trong giai đoạn hiện nay.
Đã thấy được nghịch lý, hy vọng các nhà quản lý sớm tìm ra lời giải cho bài toán phát triển hệ thống thư viện Việt Nam .
Theo Hà Nội mới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét