Hạnh phúc dài lâu

Hạnh phúc dài lâu
Thì thầm em hỏi nhỏ, Sao mặt hồ gợn sóng? Anh trả lời lấp lửng, Vì sóng cứ hôn bờ, Em nũng nịu ứ ừ, Khác cơ không phải thế, Anh nghiêng nhẹ mái đầu, Hôn môi em nồng cháy, Em ơi em có thấy, Sóng đang dậy trong tim

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

ĐÀN NAM GIAO Ở HÀ NỘI


G.DumoaTier
* Trích trong cuốn:
G. Dumoatier Les pagodes de Ha Noi-Ha Noi 1887
Nam giao là một ngôi điện lộ thiên ở giữa trời nơi các vị hoàng đế đích thân đến làm chủ tế trời.
 Nó gồm có một nền đất hình tứ giác, dựa ốp vào những bức tường, mỗi một dãy bậc thềm, lối đi vào chính hướng về phía nam, do đó có tên là Nam Giao, có nghĩa là thông với phương Nam
Chúng ta không được lầm lẫn những công trình di tích này với những nền đất có cùng hình dạng gọi là “tịch điền” mà người ta thấy trong tất cả mọi lỵ sổ của các tỉnh; đó là những ngôi đền để tưởng niệm đến vị hoàng đế Trung Hoa Thần nông, vị thần của nghề trồng trọt. Những viên quan tổng đốc hàng năm đến đó tế lễ và mở ra đường cày đầu tiên trong thửa ruộng.  Đàn Nam Giao chỉ có trong những kinh đô của vương quốc. Có một đàn ở Huế, cũng có một đàn xưa kia đã từng ở Hà Nội, khi thành phố này là nơi đóng đô của triều Lê.
 
Đàn Nam Giao(ở Huế)
 Đàn Nam Giao của Hà Nội nằm ở phía bên kia thuộc vùng ngoại ô của thành phố, trên con đường Huế [phố Huế ngày nay], gần làng Phong Vân1
Năm 1663, dưới triều hoàng đế Cảnh Trị2 điện đã có những tu bổ quan trọng. vài năm sau, dưới triều hoàng đế Vĩnh Trị-người cháu của nhà vua trên-người ta cho xây dựng trên nền đất lộ thiên một ngôi đền bên cạnh tòa nhà phụ tạo thành đôi cánh quay ngược lại
Năm 1680, một bài minh văn tưởng niệm về những công trình khác nhau này đã được khắc trên một tấm bia lớn bằng đá đen, dựng trên một bộ đỡ bằng đá   nguyên khối, phủ những hình khắc chạm đẹp.
Vào thời nhiễu loạn Tây Sơn và dưới vương triều Nguyễn, những tế lễ của hoàng đế đã diễn ra ở Huế. Đàn Nam Giao ở Hà Nội vẫn còn lưu giữ được một danh tiếng lớn lao của nơi thánh tích, bởi lẽ những kỷ niệm lịch sử và những truyền thống tôn giáo đã gắn bó với nơi này và những người dân nghèo đi lại trên con đường các quan vẫn thường rẽ vào nơi này nghỉ ngơi, tránh ánh nắng gắt của mặt trời.
Khoảng năm 1930, một đám cháy xảy ra do sự sơ ý của một vài người hành hương khi đang nấu cơm trong một dãy nhà phụ, đã thiêu hủy toàn bộ công trình.
Hà Nội từ lâu đã không là kinh đô của các vị hoàng đế An Nam, vì thế đàn Nam Giao không được xây dựng lại. Người ta chỉ cho xây ở nơi cách chỗ cũ vài trăm mét gần về phía làng Phong Vân một ngôi chùa, hiện nay vẫn còn. Ngôi chùa đó được các bà sư nữ phục vụ trông nom, có một vài mộ táng đáng chú ý, từ xa người ta đã chú ý đến hai chiếc cột dựng đứng.
Về phần các di tích cũ của các vị hoàng đế triều Lê thì hầu như hoàn toàn không có gì. Nền đất nguyên thủy tạo nên ở giữa những cánh ruộng một loại gò mộ có mặt bằng phẳng, bao phủ bởi nhiều mảnh vỡ vụn của gạch ngói, đá và đồ gốm.
Ở ngay gần kề đó ngổn ngang những mồ mả. Những người sùng tín không quên đến những đặc ân mà những linh hồn ở cạnh nơi thánh địa đó có thể được hưởng.
Đôi lan can bằng đá của bậc thềm lớn đến nay vẫn còn tồn tại. Nó bị vúi sâu trong lòng đất một nửa, trên đó có chạm khắc những hình đám mây vắt ngang qua những ngọn lửa. có lẽ phải quan tâm đến việc cứu vớt những di vật thất lạc đó của một công trình đã hoàn toàn bị phá hủy3.
Tấm bia tưởng niệm được bảo vệ trong một chiếc quán nhỏ xây gạch vẫn được giữ nguyên vẹn. Chắc chắn đó là công trình di tích đẹp nhất vào loại này ở trong xứ.
Văn bia viết bằng chữ Hán, sau đây là bản dịch:
“Văn bia kỷ niệm được soạn nhân dịp sửa chữa lại điện Chiêu Sự, đàn Nam Giao, gần thôn Phong Vân, tổng Kim Liên, năm thứ tư triều hoàng đế Vĩnh Trị nhà Lê*.
“Di tích này xưa kia gọi là điện Nam Giao, có thêm tên vào điện Chiêu Sự, vì và đấy là nơi để tế Trời.
Nhà vua đến tế lễ ở điện Nam Giao sẽ có được những phẩm chất rực rỡ nhất, cũng dễ cai trị vương quốc của mình như trở bàn tay.
Những vị quân vương triều Lê đã mở mang bờ cõi, đẩy xa biên thùy đến hàng nghìn dặm. Các ngài đã đúc chiếc đỉnh ba chân4, xây dựng thành quách để bảo vệ đất nước.
Khi dựng điện, các ngài đã tìm nơi chốn thích hợp, định hướng, tất cả những điều đó đều theo lễ thức, thuận ý trời.
Phương Nam là quê hương phát tích của nhà Lê, vì vậy bàn thờ của điện đã ngoảnh mặt về hướng Nam.
Ngay từ lúc khởi thủy, đã quyết định rằng hàng năm, cứ đến ngày 10 tháng giêng [âm lịch], sẽ làm lễ tế trời ở nơi này, và công việc đó sẽ tiến hành đến muôn đời sau.
Nhưng điện đã bị tổn hại qua năm tháng, bàn thờ bị hư hại, sơn họa trang trí bị tàn phai, không còn xứng đáng với thượng đế.
Phải đợi đến lúc một nhà vua sùng kính và uyên bác xuất hiện để đem lại cho di tích vẻ huy hoàng thích hợp.
Đức vua Vĩnh Trị, kế thừa và tiếp với những đức độ và truyền thống của triều Lê, đã dành thời gian làm hai việc: Việc thứ nhất là kính trời việc thứ hai là đặt nền trị bình cho dân chúng. Vậy mà, trong hai công việc đó, việc thứ hai trực tiếp phụ thuộc vào việc thứ nhất, để mong được trời phù hộ trong sứ mạng bình trị.
Ngày đầu tiên hàng năm, nhà vua có các quan đi tháp tùng, đã đích thân đến tế lễ ở bàn thờ điện Chiêu Sự Nam Giao nhưng vẫn coi điều đó là chưa đủ hết mực cung kính. Ngài bèn sai chọn ngày tốt lành, tập hợp các thợ mộc, chỉ bảo cách thức, sai đem đến những loại gỗ chắc để thay mới những cột, xà đã cũ của tòa điện.
Công việc được bắt đầu vào mùa thu, tháng chín năm Quý Mão, năm Cảnh Trị thứ nhất, hoàn thành vào cuối năm Giáp Thìn, năm thứ hai cùng niên hiệu [1663-1664].
Vẫn giữ nền móng rất cũ của điện Nam Giao xưa, nhưng những phần khác là làm mới. Không gì sánh được với vẻ đẹp của những trang trí nội thất và bên ngoài.
Tòa điện này có mục đích tôn vinh đức vua sùng kính đã trùng tu và làm đẹp công trình và ghi nhớ công đức của ngài mãi mãi, vì vậy văn bia này đã được khắc lên đá chẳng bao giờ mòn.
Những công đức của nhà vua Vĩnh Trị là vô kể, do vậy ngài sẽ phải được trường thọ.
Trời sẽ ban cho ngài năm điều phúc (ngũ phúc)5 và trong vạn năm con cháu ngài sẽ theo gương ngài hưởng phúc lộc.
Vinh lộc đại phu6 Hồ Sĩ Dương, Tham tụng Công bộ thượng tư, Đông các đại học sĩ, người xã Hoan Han [Hoàn Hậu?], huyện Qui Lưu [Quỳnh Lưu], đã soạn bài văn khắc này vào mùa đông năm thứ tư triều vua Vĩnh Trị”. 

1 Phong Vân: có nghĩa là gió và mây [thực ra, Đàn Nam Giao vẫn nằm bên trong thành Đại La nhưng lúc này (1887), người Pháp quan niệm nội thành Hà Nội chưa vương tới nơi này]
2 Vua Cảnh Trị hay Kiêng Trị có tên húy là Duy Cự, là nhà vua thứ 19 vương triều Lê, trị vì trong 9 năm. Trong lịch sử, nhà vua có tên là Lê Huyền Tông.
3 Chúng ta hãy nhắc lại một trong những quyền hạn, nghĩa vụ của Viện hàn lâm Bắc Kỳ do Pual Bert ký sắc lệnh thành lập ngày 03/07/1886.
“Thi hành những biện pháp để bảo tồn những tấm bia, những văn khắc và những di tích nào còn rải rác ở các nơi. Ghi tên đánh dấu, tìm kiếm nghiên cứu và đem những cái đó về nơi chắc chắn khi chúng ở trong những đền chùa bị hư nát hay không được bảo vệ hữu hiệu.
[* Cuối thế kỷ XIX, kinh lược Hoàng Cao Khải đã cho mang hai lan can đá này từ  Đàn Nam Giao về dinh cơ của mình ở ấp Thái Hà để làm thành bậc cho sinh từ của ông ta.]
* Tham khảo “Nam giao điện bi ký” trong: Tuyển tập văn bia Hà Nội. H. 1978 (TII), có khác biệt đôi chút. Có thể tấm bia của Dumoatier là một văn bia được khắc dập lại bia Vĩnh Trị trong thời Nguyễn.
4 Ẩn dụ của người Trung Hoa có nghĩa là thành lập một triều đại, ngụ ý việc phân chia Trung Hoa thành 3 nước (tam quốc) Ngụy, Thục, Ngô.
Chiếc đỉnh có 3 chân tượng trưng cho đế quốc, người ta thấy mô hình đó trong sách Lễ Ký, là đồ cúng thường xuyên trong những buổi tế lễ.
Những nhà vua đầu mỗi triều đại thường có tục lệ đúc một chiếc đỉnh tương tự để lưu truyền trong hoàng gia.
 Người ta nói rằng ở vùng sông Đà có Đinh Đức, thủ lĩnh xứ Mường Bi, vẫn còn giữ được cái đỉnh triều đại của nhà (họ?) Đinh. Tương truyền rằng chiếc vạc đó rất lớn, đến mức có thể nấu được 3 con bò cùng một lúc.
5 Ngũ phúc: phúc, quí, thọ, khang, minh (hạnh phúc, giàu sang, sống lâu, khỏe mạnh, bình an)…
Ngũ phúc được biểu tượng bằng những con dơi, có lẽ bởi vì hai chữ Hán có nghĩa là “hạnh phúc” và “con dơi” là đồng âm.
6 Từ khiêm tốn. Tước hiệu Vinh lộc đại phu (Excellence au unom glorieux) dành cho các quan có phẩm trật “tòng nhất phẩm”, là chức của các viên quan Thượng thư. Hồ Sĩ Dương phải ở trong hàng ngũ các quan “Chánh nhất phẩm” vì ông là “Đông các đại học sĩ” (Membre du Couseil”, do đó phải có tước vị cao hơn (Excellence au renom éclatant=Đại phu có tên tuổi chói lọi?)

1 nhận xét:

  1. Theo anh biết thì nền cũ của Đàn Nam Giao nay là chỗ xây Vincom (nhà máy Trần Hưng Đạo cũ).

    Trả lờiXóa