Cao Xuân Dục tự Tử Phát, hiệu Long Cương, sinh năm 1842, tại xã Thịnh Khánh, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An (nay là xã Diễn Thịnh – huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Năm 1976 ông đỗ cử nhân rồi bước vào con đường hoạn lộ. Khi làm quan ông rất quan tâm trứ tác. Năm 1898 ông được điều về Huế làm tổng tài Quốc sử quán, sau đó là thượng thư bộ Học. Đến năm 1913 ông xin về hưu với hàm Đông các đại học sĩ. Ông mất ngày 21 tháng 4 năm quý hợi (5-6-1923) tại quê nhà[1].
Cao Xuân Dục là người thể hiện tinh thần văn hóa khoa cử cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Như ta biết, từ năm 1075 nhà Lý mở khoa thi. Tuy nhiên với 215 năm cai trị, nhà Lý mới có bảy khoa thi. Sang thời Trần (1226-1400) Nho giáo có phần mạnh hơn. Trong 175 năm, nhà Trần tổ chức 19 kho thi tiến sĩ (đương thời gọi là Thái học sinh). Vào thời này, nhà Trần đã phân chia làm tam giáp. Sau thời Lê, cứ ba năm nhà nước tơ chức môptj kỳ thi hương rồi thi hội. Đến triều Mạc và Lê trung hưng, các kỳ thi đại khoa được tổ chức khád đều đặn. Sáu mươi năm cầm quyền, nhà Mạc tổ chức 22 khoa thi, chọn được gần 500 tiến sĩ.
Tiếp theo nhà Mạc, các vua Lê, chúa Trịnh cũng đều tổ chức thi từ lúc còn ở Thanh Hóa và khi ra Thăng Long thì tổ chức đều đặn hơn. Tổng số kỳ thi hội của nhà Lê (bao gồm Lê sơ và Lê trung hưng ) từ năm 11426 đến khoa thi cuối cùng năm 1787 có 98 khoa với 1757 vị tiến sĩ.
Sang thời Nguyễn, từ Minh Mạng (1820-1840), các kỳ thi tiến sĩ lại được tiếp tục. Giáo dục và khoa cử thời này thực sự có nhiều thành tựu. Các thể thức khoa cử thời Nguyễn cũng như thời Lê. Thời Nguyễn tại Văn Miếu Huế cũng có bia tiến sĩ (nhưng không có bài văn bia). Bên cạnh các kỳ thi tiến sĩ, nhà nước còn tổ chức cá kỳ thi chế khoa, ân khoa. Trong học vị tiến sĩ nhà nguyễn không lấy trạng nguyên nhưng lại lấy phó bảng, sinh đồ đổi thành tú tài, hương cống đổi thành cử nhân. Vào thời Nguyễn, Trương Quốc Dụng, Nguyễn Trường Tộ có đề ra một số cải cách về giáo dục, phê phán lối học dựa vào Bắc sử, từ chương, nhưng tiếng nói của hai ông không được lưu ý đầy đủ. Sang thế kỷ XX trước sức ép của các trào lưu cách tân mới, kể cả thực dân Pháp, nhà Nguyễn có thay đổi ít nhiều song vẫn mang tính cưỡng bức, có sự “ai căng” giữa ta và tây, cổ và kim. Về khách quan, lối học cổ hủ, phù phiếm dần dần suy yếu đi. Một tầng lớp sĩ phu mới xuất hiện, nảy sinh. Đến năm 1919 khoa cử cũ bỏ, thi tiến sĩ chấm dứt. Chữ quốc ngữ thay thế chữ Hán đặt dấu chấm hết vào chế độ khoa cử nho giáo.
Cao Xuân Dục sống trong thời kỳ giáo dục và khoa cử Nho giáo thời Nguyễn. Ông sinh ra, lớn lên trên vùng Nghệ An, nơi học hành và thi cử phát triển vào bậc nhất của đất nước. Vùng đất học này đã tác động không ít tới Cao Xuân Dục. Qua học hành, thi cử đã tạo nên một tầng lớp sĩ phu đông đảo, lấy đó làm điều kiện lập thân. Có thể cho rằng với văn hóa khoa cử của nước Đại Nam thì nơi đây là đậm đà nhất, sâu sắc nhất. Trong gia đình Cao Xuân Dục, con trai ông là Cao Xuân Tiếu đậu phó bảng, con rể là Đặng Văn Thụy đậu hoàng giáp, các con, cháu nội là Cao Xuân Xang, Cao Xuân Thụ, Cao Xuân Tảo đều đậu cử nhân.
Nguyễn Trung Quán người xã Yên Dũng, huyện Châu Lộc Nghệ An (nay thuộc huyện Nghi Lộc – Nghệ An) giữ chức Toản tu Quốc sử quán viết bài tựa cho tập Quốc triều đăng khoa lục: “khi mới đọc cuốn Hương lục, được biết ông dùng sức rất cần cù. Nay đọc Hội lục này, lại biết ông dụng tâm rất chu đáo. Các vị quân tử coi cuốn sách này cho là ông vì đạo Nho ta cũng được cho là có ý khuyên răn cũng có thể được. Hoặc lại cho là biểu dương thịnh ý trong văn chuộng hiền của triều đình cũng không có gì là không được”.
Chế độ khoa cử lâu đã tạo ra một lớp sĩ phu phổ biến trong nông thôn đến các huyện lỵ, tỉnh lỵ và triều đình. Nội dung hoạt động của tầng lớp này thuộc lĩnh vực văn hóa – giáo dục – văn học khá sôi động. Đây chính là đội quân chủ lực bổ sung liên tục cho chính quyền phong kiến Lý đến Nguyễn. Đặc biệt trong các thời Lê – Nguyễn (XIX-đầu XX), tầng lớp sĩ phu đông đảo này ở nông thôn và một số thành thị lớn mạnh vững vàng nhờ các kỳ thi hương, thi hội (và thi đình). Đăng khoa thực sự là niềm hy vọng thường xuyên, cổ vũ tinh thần học tập tứ thư. Như vậy, chính hoạt động khoa cử (hương thí và hội thí) với văn hóa, giáo dục, văn học có sức cuốn hút mạnh mẽ đến các tầng lớp xã hội, các lứa tuổi khác nhau, từ anh em đến cha con, họ hàng đều tham gia không hề mệt mỏi. Ai đó, nhờ trúng cách đã được là cử nhân, là tiến sĩ sẽ có sự thay đổi thân phận. Bởi vậy các sĩ tử ra sức rèn luyện kỹ năng văn chương, mở rộng kiến thức để đáp ứng yêu cầu khoa cử và cũng từ đó sáng tạo ra những giá trị tinh thần.
Song có lẽ không nên cho rằng mục đích duy nhất của khoa cử là ra làm quan để “vinh thân phì gia” mà họ còn mong đạt được danh vọng. Cái danh (không nhất thiết là giàu sang) chính có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Trong lời tựa tập sách này, ông Nguyễn Trung Quán đã viết: “Danh và khí là vật quý nhất trong thiên hạ. Thiên hạ đã lấy làm của quý, đó là điều đã rõ. Bởi vậy không thể không soạn Hương khoa lục mà đến Hội khoa lục cũng không thể bỏ qua được”. Danh thực sự là điều quan trọng đối với tầng lớp xã hội ở nông thôn. Không biết tự bao giờ tục ngữ Việt Nam đã có câu: “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”.
Coi trọng khoa cử là coi trọng danh tiếng. Ở xứ Nghệ xưa có trường hợp cha con cùng đi thi tiến sĩ như Ngô Trí Tri và Ngô Trí Hòa (khoa thi 1592 – Quang Hưng thứ 15). Trong dân gian tương truyền Phan Dương Hạo (tức Phan Thúc Trực) đi thi hương đến mười khoa chỉ đậu đến tú tài, sau được đặt cách vào thi hội (1847), đỗ thám hoa, gọi là Thám Mười. Khoa thi hương năm 1900, tỉnh Nghệ An có một thí sinh đã 82 tuổi là Đoàn Tử Quang người xã Phụng Quang, huyện Hương Sơn (nay thuộc Hà Tĩnh). Có trường hợp thày và trò cùng đi thi như thầy Phạm Nhật Tâm và trò là Trần Văn Hệ, cùng trúng tam giáp khoa Tân Hợi (1851). Cho nên “văn hóa khoa cử” Cao Xuân Dục nêu ra là “văn hóa gia đình”.
Thực sự đã có một luồn văn hóa khoa cử từ sau thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XX. Cao Xuân Dục đã dành phần lớn quyển đầu (Phần các hệ) để nói lên điều này. Đó là những nhân tính có “định lượng” về người trúng tam nguyên, song nguyên, những người mới đỗ tú tài mà trúng tiến sĩ, những gia đình, dòng họ, những làng thôn có nhiều người đỗ tiến sĩ kế tiếp hay đồng khoa…Văn hóa khoa cử thực sự là động lực thúc đẩy giáo dục, văn học phát triển. Hai hệ thống trường học đồng thời hoạt động. Bên cạnh hệ thống trường quốc lập, các nhà giáo lớn lại thu hút học trò, tạo ra một môn phái, một vùng văn hóa, văn học đặc sắc. Thám hoa Nguyễn Đức Đạt nổi danh cả nước không phải vì quan chức mà chính vì khoa bảng, vì sự nghiệp giáo dục. Chính Cao Xuân Dục là học trò của ông. Hình điêu khắc trên lăng đá của ông là cảnh vinh quy bái tổ. Rõ ràng văn hóa khoa cử tạo cho giáo dục phát triển, nâng cao vị trí của thày giáo.
Văn hóa khoa cử tạo nên đức hy sinh cho người phụ nữ. Họ chịu nghèo, lấy vinh dự của chồng con làm vinh dự cho mình, làm hạnh phúc của mình. Sách Đăng khoa lục ghi lại không ít hình ảnh những người mẹ, người vợ như vậy. Người Diễn Châu (Nghệ An) thường kể chuyện cụ nghè Nguyễn Xuân Ôn nhà rất nghèo, đi học không đủ giấy viết, không đủ sách học thường viết trên đất, trên đùi nên có khi quên mặt chữ, chữ lại xấu…nhưng vẫn không nản chí, vẫn theo đuổi khoa cử.
Nền văn hóa khoa cử Việt Nam từ thế kỷ XVII-XVIII về sau ngày càng phát triển mạnh mẽ. Vào thế kỷ XVIII, một số tuyển tập các bài thi hội đã xuất hiện như Lịch khoa tứ lục (của Tăng Hợp), Thiên Nam lịch khoa hội phú tuyển (của Lý Trần Quán). Thế kỷ XIX có Hương thi văn tuyển.
Quốc triều đăng khoa lục là bộ sử giáo dục thời Nguyễn từ 1822-1919, ngót một trăm năm. Nhà sử học tìm ở đây những “mục từ” nhân vật đại khoa. Nhà giáo dục học tìm ở đây sự phát triển của giáo dục nho học. Nhà triết học lại thấy ở đây những chuyển biến tư tưởng truyền thống sang thời cận đại. Nhà nghiên cứu văn hóa sẽ tìm ở đây một đặc sắc văn hóa khoa bảng – giáo dục. Mỗi ngành khoa học đều có những khía cạnh để khai thác. Đến như con, cháu của các vị đại khoa này cũng rõ hơn tiểu sử ông cha mình về hành trạnh, tài năng, ý chí và những đóng góp của ông cha mình.
Cao Xuân Dục thực sự là người trân trọng văn hóa truyền thống, quý trọng nhân tài đất nước. Qua từng nhân vật cụ thể dù trình bày chi tiết hay giản lược, song hầu như ông và các cộng sự là Cao Xuân Tiếu và Đặng Văn Thụy đều khách quan. Với các nhân vật chống pháp như Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã, Văn Đức Giai, Phan Đình Phùng, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Thượng Hiền…Cao Xuân Dục cũng thể hiện rất trân trọng. Ông là đại thần của Nam Triều và cũng có những năm tháng theo theo đuổi việc quân trấn áp các lực lượng chống Pháp ở Bắc Kỳ trong hai thập kỷ của thế kỷ XIX. Thế nhưng khi viết tiểu sử của các vị đại khoa ông không đứng trên lập trường kẻ thống trị, không “chỉ trích” những hoạt động yêu nước của họ, không cho họ là người đối lập mà ngược lại, ông vẫn trân trọng họ, ca ngợi những mặt ưu điểm của họ. Với Vưn Đức Giai, ông ca ngợi mặt chí hiếu, Nguyễn Xuân Ôn nhà nghèo nhưng rất cần cù chịu học, thực sự thông minh. Khi viết về Phan ĐÌnh Phùng, Nguyễn Thượng Hiền, ông lại ca ngợi cả họ tộc.
Cao Xuân Dục thực sự có lòng yêu mến văn hiếu truyền thống. Hai bộ Hương khoa lục và Đăng Khoa lục đồ sộ, công phu và chính xác. Bộ Hương khoa lục với 5232 vị hương cử, bộ Đăng khoa với 887 vị đại khoa. Sự trân trọng các vị khoa bảng này đâu chỉ vì con người cụ thể mà chính là sự yêu mến văn hóa khoa cử lâu năm của dân tộc, yêu mến tầng lớp nho sĩ của đất nước.
Có thể nói, sự chuyển biến của bản thân Nho học của Việt Nam rất chậm chạp, trì trệ. Vào thế kỷ XVII – XVIII ở Trung Quốc, Nhật Bản phái Tâm học đã xuất hiện ngày càng mạnh mẽ. Sự thực thì Tâm học của Trung Quốc với sự khởi đầu là sự phê phán của Chu Hy của Vương Thủ Nhân (1472 – 1528), chống lại lý thuyết “Cách vật trí tri”, “tức vật cùng lý”. Vương Thủ Nhân cho rằng lý là ngay ở trong lòng mình, nếu thoát ly khỏi tâm (lòng mình) thì làm sao có lý được, người ta nên phải tĩnh cái tâm của chính mình, không cần thiết phải tìm cái ngoài tâm. Chính ông nêu lên cái gọi là “tâm học” này. Thuyết Tâm học của Vương là sự vận động của tư tưởng có tính thời đại, xuất hiện khi Lý học của Trình Chu đã xơ cứng. Tâm học truyền sang Nhật được nhiều nho sĩ hưởng ứng và thành một trào lưu rộng rãi vào các thế kỷ sau.
Các nhà bác học Trung Quốc như Phương Dĩ Trí (1611 – 1671), Hoàng Tông Hy (1610 – 1695), Vương Phu Chi (1619 – 1777) đều lên tiếng phản đối Lý học Trình Chu – trào lưu tư tưởng phản lý học Tống Nho sau đó càng mở rộng, kéo dài đến thế kỷ XIX, tạo ra những nhà tư tưởng tư sản cấp tiến như Khương Hữu Vi, Lương Khải Siêu…Hiện tượng phản lý học hay hay rộng ra là sự phản truyền thống lên đến đỉnh cao là Ngũ tứ vận động (1915) với Lý Đại Chiêu, Trần Độc Tú, Lỗ Tấn…
Ở Việt Nam , Lý học Tống Nho chi phối từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX. Thế kỷ XIX Nho học, Nho giáo lại được nhà nước chú trọng hơn, áp đặt mạnh hơn. Vào giữa thế kỷ này, ở Trung Quốc đã có hình thái “Trung thể Tây dụng” và ngày càng mở rộng. Riêng ở Việt Nam , những tư tưởng cải cách của Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện đều bị từ chối. Điều này thể hiện đến hết thế kỷ XIX, áp lực nho giáo Việt Nam vẫn mạnh, mạnh hơn ở Trung Quốc. Ở Trung Quốc, những người đọc “phản truyền thống” đã dần dần làm suy yếu Nho giáo. Tuy nhiên đến cuối thế kỷ XIX, Nho giáo Việt Nam vẫn không có hiện tượng phản truyền thống.
Tất nhiên chế độ khoa cử cũng có nhiều nhược điểm lớn nhất là tạo ra một tập đoàn quan lại, một tầng lớp sĩ thoát ly đời thường. “Kẻ sĩ đọc sách” theo đuổi “cử nghiệp tốn công sức”, bỏ nhiều năm tháng đén sách, ít đóng góp cho đời. Chế độ khoa cử cũng làm cho trí thức phát triển theo một chiều, coi thường khoa học kỹ thuật, coi thương lao động chân tay.
Kẻ sĩ ở Việt Nam cũng khác với kẻ sĩ ở Trung Quốc. Trung Quốc sớm đã có nhiều đô thị phát triển, đặc biệt ở vùng nam Trường Ghiang. Những nghiên cứu của các học giả Trung Quốc cho biết “Từ đời Tống về sau, kẻ sĩ xuất thân phần lớn từ gia đình thương nhân. Giới sĩ phu và thương nhân phân biệt không rõ rệt. Mặt khác, do thương nghiệp Trung Quốc ngày càng phát triển, ngày càng có tỉ trọng lớn trong đời sống xã hội nên những người tài trí dần dần bị thương nhân lôi kéo”(2)2. “Nho gia và thương nhân thời Minh – Thanh đều đã có sự đánh giá lại giá trị xã hội của tầng lớp thương nhân. Trên thực tế, phần đánh giá này là do thực tế xã hội thay đổi buộc phải như vậy. “Thời Minh – Thanh, thương nhân gia nhập tầng lớp sĩ, thi cử và làm quan, có thế lực”.
Ở Việt Nam , xuất thân của kẻ sĩ không như vậy. Kẻ sĩ ở Việt Nam là từ nông thôn, nhiều người nhà nghèo, ở các làng quê. Những làng có nhiều kẻ sĩ đỗ đạt, làm quan như Quỳnh Đôi, Hành Thiện, Cổ Am… đều là những làng nông nghiệp. Những làng này không nghèo khổ so với những làng nông nghiệp khác nhưng cũng không giàu có hơn, không phải là đô thị buôn bán. Đọc tiểu sử các bậc tiến sĩ trong sách này, chúng ta thấy các vị đều xuất thân từ nông dân. Làng Quỳnh Đôi, nơi nhiều cử nhân, tiến sĩ vào bậc nhất cả nước vào bậc nhất cả nước thế kỉ XVIII-XIX là làng nông nghiệp cộng thêm nghề thầy đồ và thủ công nghiệp. Làng Hành Thiện đứng thứ hai về số tiến sĩ, cử nhân cũng có kiểu cấu trúc ngành nghề như trên. Xuất thân kẻ sĩ của hai nước có khác nhau nên sắc thái ảnh hưởng của Nho cũng không như nhau.
Kẻ sĩ của vùng Giang Nam thời Minh-Thanh (Trung Quốc) phần nhiều từ thương nhân thành thị. Kẻ sĩ của Việt Nam trước sau vẫn gắn chặt với làng quê. Họ làm quan ở khắp nơi nhưng khi hưu trí lại trở về với quê hương, gắn bó với làng quê, một thành viên của làng quê. Bởi vậy Nho giáo Việt Nam là Nho nông thôn-Nho làng xã. Có thể vì vậy mà vào thế kỷ này Nho Việt Nam chưa bị một thế lực nào phê phán, tạo nên khuynh hướng “phản truyền thống” và nói chung hệ tư tưởng của Việt Nam chưa bước vào thời kỳ cận đại hóa, thậm chí ở vùng đồng bằng Bắc Bộ chưa có hiện tượng cận đại hóa như ở Trung Quốc, Nhật Bản. Vào những năm 80 của thế kỷ XIX, tư tưởng Nho giáo của Cao Xuân Dục là như vậy.
[1] Phần tiểu sử cụ thể xin xem bài viết của Cao Tự Thanh về cuốn Quốc triều hương khoa lục trong Tủ sách văn hiến Việt Nam – Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh 1993, trang 14 – 16.
2 Dư Anh Thời, Sĩ hóa văn hóa Trung Quốc, Nhà Xuất bản Nhân dân Thượng Hải, bản in năm 1988, trang 521 – 531 – 537.