Hạnh phúc dài lâu

Hạnh phúc dài lâu
Thì thầm em hỏi nhỏ, Sao mặt hồ gợn sóng? Anh trả lời lấp lửng, Vì sóng cứ hôn bờ, Em nũng nịu ứ ừ, Khác cơ không phải thế, Anh nghiêng nhẹ mái đầu, Hôn môi em nồng cháy, Em ơi em có thấy, Sóng đang dậy trong tim

Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Những ngày hè đáng quên

Nắng thật và nóng thật, những ngày đỉnh điểm của nắng nóng nhiệt độ ngoài trời có thể lên tới 42 độ. Đi trên đường vào buổi trưa thì chao ôi khủng khiếp, cái nắng ở nhiệt độ cao chiếu xuống mặt đường và mặt đường lại hắt cái nóng ngược lại, người đi đường chỉ còn biết bịt cho thật kín để bảo vệ mình trước cái nắng khiếp đảm này. Mà than ôi nóng ở Hà Nội thì thật kinh hoàng, bởi cái không gian chật hẹp với những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, với những tấm kính to tướng nhìn vào mà chói cả mắt, sự ồn ào của thành phố, sự chật chội của phố phường khiến cái nóng tăng lên gấp bội. Mùa hè năm nào mà chẳng có, nắng nóng thì năm nào mà chẳng phải đối mặt nhưng sao hè năm nay lại đáng quên đến thế? Phải quên, thật sự là phải quên bởi cái nắng nóng của thiên nhiên thì con người còn chịu được và tìm mọi cách để chống lại nó nhưng cái "nóng" của giá cả thị trường trong mùa hè này còn kinh khủng hơn rất nhiều.

Nóng từ mọi phía
Chưa bao giờ giá cả các mặt hàng, đặc biệt là thực phẩm lại tăng vọt một cách đáng sợ như những ngày qua. Mỗi buổi đi chợ là một buổi đắn đo, tần ngần suy nghĩ xem hôm nay ăn gì cho hợp với túi tiền đây, đi chợ hôm nay liệu ngày mai còn tiền để đi không. Đi đâu cũng thấy các tầng lớp người dân kêu ca với tình hình giá cả như hiện nay. Ai có thể giúp thay đổi tình hình đây...? kêu trời, trời chẳng thấu, kêu đất, đất chẳng hay thôi đành vợ chồng kêu với nhau, người cùng cảnh kêu với nhau cho giảm stress vậy. Giá cả đắt đỏ thì biết làm thế nào bây giờ, sống vẫn phải sống, ăn không thể bỏ, hết tiền thì đành đi vay nhưng hết chỗ vay thì làm thế nào? thôi kệ đi, chắc không chết đâu mà sợ. May mà mình vẫn có lương nhà nước trả, có điều hơi thiếu "một chút" so với nhu cầu tối thiểu của gia đình. Lấy lương nhà nước cấp tiêu được một tuần còn ba tuần đi vay, than ôi vẫn phải sống.
Bây giờ thì chuyện thuê nhà để sống ở các thành phố lớn là chuyện bình thường. Vì nó bình thường nên nó trở thành bình dân và quần chúng nhưng hình như vì nó quá bình dân nên Nhà nước "lãng quên" nó hay sao ấy? việc thuê nhà của người lao động đang mang tính tự phát, tự túc và nó có hàng vạn kiểu thuê nhà. Khổ thay, đi thuê nhà thì phụ thuộc vào chủ nhà. Ai may mắn thì gặp được chủ nhà đạo đức một chút còn dễ chịu bằng không thì đa số chủ nhà là giống nhau. Họ  có một nghìn lẻ một lí do để "bóc lột" người đi thuê. Thương thay mình lại nằm trong số đó, đúng là xót thương phận mình. Biết chủ nhà ăn cắp nước, ăn cắp điện nhà mình nhưng cũng không biết làm cách nào để ngăn. Nghe thì hơi ngược đời nhưng thực tế lại như vậy, bình thường chỉ có người thuê ăn cắp đằng này chủ nhà lại ăn cắp. Số là, trong quá trình thiết kế họ đã cố tình thiết kế đường ống dẫn nước có một nhánh ăn sang nhà họ trong khi đồng hồ nước lại của người đi thuê, thế là họ tha hồ dùng nước mà mình không hay biết vì sống tách biệt mà. Miệng thì bảo thu giá nhà nước nhưng thực tế tiền điện nước hàng tháng của nhà mình còn cao hơn cả người thu giá cho thuê, có ai tin được không khi nhà mình chỉ có 3 người mà một tháng đỉnh điểm hết 39m khối nước?  Rồi thì họ thích tăng giá nhà, tăng giá điện, tăng giá nước thì cứ tùy hứng. Biết tất cả các mánh khóe của họ nhưng bây giờ biết tính sao đây, đa số chủ nhà là giống nhau mà quan trọng hơn là biết chuyển đi đâu khi mà chuyện chuyển nhà không hề đơn giản một chút nào. Mình đã ở đây quen rồi, chí ít nó còn tự do, hơn nữa giá nhà còn hợp lý với nguồn thu nghèo nàn của vợ chồng mình. Chuyện thuê nhà thì trăm bề khổ sở nhưng biết kêu ai bây giờ? ai có thể điều chỉnh, có thể quản lý "thị trường" cho thuê nhà kiểu này. Nếu ai biết câu trả lời thì xin cho những người đi thuê nhà một tia hy vọng.
Đi thuê nhà đâu chỉ có chủ nhà giở mánh khóe, mấy bà vệ sinh môi trường cũng đủ lí do để chèo kéo thêm một vài nghìn, mấy ống điện nước hàng tháng cũng đè đầu cưỡi cổ người đi thuê, vì với chủ nhà dù sao cũng đã quen biết nên có sự ưu tiên nhất định. Đấy là những câu chuyện bị "móc túi" mang tính nhỏ lẻ mà không ai quản lý còn vô số những chiêu "móc túi" mang tính quy mô và được người đời chú ý hơn rất nhiều. Nói như thế để biết người dân (đặc biệt là dân không bản địa) bị chia năm trăm, xẻ bảy trăm (không còn chia năm sẻ bảy) như ngày xưa đâu. Ô chết, đang viết lại nhớ ngày mai hết sữa cho con, lo quá. Lúc này tự nhiên lại thấy mình giống ông Hộ trong Đời thừa của nhà văn Nam Cao quá. Thấy bức bách và tức tối vì cơm áo gạo tiền quá và cũng thấy mình sao vô dụng thế.

Cuộc sống thật gian truân và mình trở thành đời thừa
Chế Lan Viên ơi, nhà thơ có mấy câu thơ mà tôi thấy hợp với mình lúc này quá:
Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh
Một vì sao trơ trọi cuối trời xa
Để nơi ấy tháng ngày tôi lẫn tránh
Những ưu phiền đau khổ với buồn lo.

Lúc này có thể thiên đường là nơi hạnh phúc nhất

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét