Những âm hưởng rạo rực trong ca khúc "Việt Nam trên đường chúng ta đi" mà nhạc sĩ Huy Du đã sáng tác, ở đó người nghe có thể hình dung ra cuộc hành quân đấy khí thế với niềm tin mãnh liệt vào một ngày chiến thắng. Những hình ảnh: Nghe gió thổi, nghe sóng biển...nghe ấm lòng mỗi khi Đảng mở lối mà vui sao ta chẳng nói nên lời...và còn nữa ta đi giữa tình thương..." bài hát thật hay và thật ý nghĩa, nó khiến tâm hồn con người trở nên khí thế và có niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống. Nhưng cũng thật là ngược khi bài hát được ra đời trong những năm gian khó nhất của cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại, khi cái chết cận kề lại là lúc niềm tin vào cuộc sống mãnh liệt nhất.
Ngày nay, bài hát vẫn vang lên nhưng trong một thời kỳ khác-thời kỳ của hòa bình, của độc lập. Chiến tranh đã lùi xa, hôm nay nghe lại bài hát đột nhiên tôi lại nghĩ vậy bây giờ "trên đường chúng ta đi" thì thấy gì và nghe gì? Có lẽ chẳng có cái cảm giác khí thế ngày nào, niềm vui cũng không được như vậy và niềm tin nữa chứ...bởi trên đường chúng ta đi giờ đây bắt gặp toàn những cảnh khiến cho "màu hồng" của cuộc sống sẽ nhạt dần đi.
Trên đường đi là những phương tiện giao thông lao đi với tộc độ kinh hoàng, họ đi mà không cần quan tâm đến những người xung quanh đặc biệt là hệ thống xe tải, xe ben, xe trộn bê tông và đương nhiên rồi những vụ tai nạn giao thông hết sức thương tâm. Trong năm 2011, đúng là một năm đáng quên của giao thông Việt Nam khi các vụ chết tập thể do giao thông đường bộ, giao thông đường sắt, đường thủy, với vô số nguyên nhân trong đó có những nguyên nhân "lãng xẹt" nhưng để lại hậu quả thì vô cùng nghiêm trọng. Có lẽ "khí thế" nhất khi đi trên đường là những anh chàng đã có hơi men, lúc có men vào đi xe chắc thấy vui "mỗi khi mở lối". Trên đường chúng ta đi còn thấy bao nhiêu là hố ga không đậy, không hiểu sẽ như thế nào mỗi khi đường ngập nước vùi sâu các hố ga không nắp này. Bây giờ trên đường ta đi không thể nào nghe càng không thể ngửi mùi hương cuả những cánh đồng quê vì người đi trên đường ra sức "tân trang" bịt hết tai, mũi miệng để chống lại những cơn lốc bụi ngày càng nhiều trên các tuyến đường. Và còn đâu những cánh đồng bát ngát, thay vào đấy là các khu công nghiệp và những bãi đất trống.
"Việt Nam trên đường chúng ta đi" còn bắt gặp những mảnh đời bất hạnh, đó là nhiều em bé đang tuổi ăn, tuổi chơi, tuổi đến trường cùng bạn bè, cái tuổi còn chưa biết nghĩ thì nay các em lại đeo trước ngực một cái giá đựng những thứ lặt vặt mang đi bán, nhiều em cái giá quá khổ đã che hết mặt. Vào quán bia không biết là thật hay vờ một vài em cứ lấy tay ra hiệu cho khách mua một vài gói tăm, một hai cái bút nhưng nào đâu có bán được. Nhiều cụ già đi ăn xin, nhiều người lấy vỉa hè làm nơi nuôi giấc ngủ của mình.Vẫn còn đó những cô cậu học trò tóc xanh, tóc đỏ trên mình còn khoác chiếc áo phổ thông vậy mà nói chuyện "vợ chồng" nghe "hay" hơn cả đọc tiểu thuyết. Văn hóa xưng hô thì nghe thật "nhức" tai.
Hãy mang nụ cười Việt Nam đến với mọi người-đó là công việc của tất cả chúng ta |
Cái khái niệm tình thương nghe ra còn xa lạ hơn bao giờ hết mà thay vào đó là sự vô cảm, thờ ơ với những người xung quanh, thờ ơ với những việc xảy ra trên đường, nhìn thấy mà đau lòng.
Sẽ còn rất nhiều, rất nhiều...những hình ảnh thương tâm, thương cảm, bức xúc, chướng tai gai mắt hiện ra trước mắt chúng ta mỗi khi đi trên đường. Sẽ là rất khó nhưng hy vọng những vấn đề trên sẽ được giảm thiểu ở mức tối đa và mong rằng một ngày nào đó "Việt Nam trên đường chúng ta đi" sẽ có cảm giác như bài hát của nhạc sĩ Huy Du.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét