Hạnh phúc dài lâu

Hạnh phúc dài lâu
Thì thầm em hỏi nhỏ, Sao mặt hồ gợn sóng? Anh trả lời lấp lửng, Vì sóng cứ hôn bờ, Em nũng nịu ứ ừ, Khác cơ không phải thế, Anh nghiêng nhẹ mái đầu, Hôn môi em nồng cháy, Em ơi em có thấy, Sóng đang dậy trong tim

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2011

Tình yêu công lý

Hiện nay, dân Sài Gòn đang mắc hội chứng… Bao Công. Đi đến đâu cũng nghe bàn tán sôi nổi chuyện li miêu, Quách Hòe, Lý nương nương.
Hồi còn nhỏ tôi cũng chúi đầu vào cuốn Bao Công Kỳ Án do nhà Tín Đức Thư Xã xuất bản, giấy thì vàng khè, chữ lem nhem, văn thì già nua, khệnh khạng, nhưng đọc không biết mệt, cũng hệt như khán giả đài truyền hình hiện nay, mê say theo dõi vụ án Quách Hòe. Nhớ lại năm xưa, mọi người cũng say mê theo dõi bộ phim Con Bạch Tuộc với nhân vật chính là thanh tra Corrado Cattani, một mình chống lại mafia.
Lắng nghe những lời bình phẩm từ các khán giả nhi đồng nhất hay bình dân nhất, tôi nhận thấy rõ hình tượng Bao Công đã thể hiện được khát vọng sâu xa nhất của quần chúng: muốn có công lý. Công lý ở đây chẳng phải là một khái niệm trừu tượng xa xôi mà hóa thân thành một hiện thực sinh động, cụ thể: một cá nhân dũng cảm đương đầu với tội ác, vạch trần những xấu xa, bênh vực cho những kẻ bị hàm oan, những người lẻ loi, cô độc, sức yếu, thế cô, bị vây hãm trong sức mạnh đen tối của cường quyền. Công lý ở đây quá rõ ràng, thiện ác ở đây quá phân minh, không còn kẽ hở cho sự nghi ngờ hay ngụy biện.
Các loại hình xung đột phổ biến trong thế giới nghệ thuật thứ bảy, có lẽ mô hình xung đột giữa chính-tà, thiện-ác là mô hình được khán giả ưa thích nhất. Phim dở là do đạo diễn hay tác giả kịch bản không sáng tạo nên được một xung đột thật sự gây cấn. Bao Công dũng cảm, thông minh, nhưng Quách Hòe tàn bạo, giảo hoạt không kém, có lúc đã đánh gục người hùng Khai Phong phủ, cho “chàng” “về quê ngồi chơi xơi nước”. Thanh tra Cattani tài ba cuối cùng cũng bị mafia tống tiễn về thế giới bên kia để săn tìm công lý trước sự thương tiếc của bao nhiêu khán giả. Tài tử Michel Placido đóng vai Cattani bị khán giả chất vấn, thậm chí muốn hành hung ngoài đường, vì họ không muốn bộ phim chấm dứt một cách bi quan như vậy. Mọi người muốn rằng công lý cuối cùng phải thắng, bóng tối phải bị xua tan, nhường chỗ cho một ngày mai tươi sáng. Người hùng sẽ chiến thắng trong cuộc chiến đầy cam go này, và nước mắt sẽ được lau khô trên gương mặt cuộc đời đã chịu quá nhiều bất công, đau khổ. Ngày xưa, tiểu thuyết Trung Hoa khi mới khai sinh cũng xây dựng xung quanh chủ đề xung đột thiện-ác này. Victor Hugo thành bậc thánh trong tâm hồn dân tộc Pháp cũng nhờ là tác giả của kiệt tác Les Misérables (Những người cùng khổ), một tác phẩm tràn ngập lòng yêu thương đối với những con người bị hành hạ, chà đạp, và nói lên khát vọng được sống trong một thế giới công bình, thế giới của lẽ phải, của sự thật.
Những hình tượng như Bao Công hay thanh tra Cattani làm mọi người say mê, ngưỡng mộ, vì đó là sự đền bù của nghệ thuật đối với cuộc sống. Nhìn theo một góc độ nào đó, nghệ thuật là sự chuộc tội cho đời sống. Trong hiện thực cuộc đời, con người bình thường đã run sợ, đã thiếu can đảm khi phải đối diện với tội ác, đối diện với sự bất công phát xuất từ giai cấp có quyền uy, thế lực. Con người đã phải cúi đầu, phải im lặng. Người hùng trong tác phẩm nghệ thuật chân chính cũng chỉ là một con người bình thường, giống như thanh tra Cattani đã nhận xét: “Chúng ta không phải là những người hùng, chúng ta chỉ là những con người bình thường, chúng ta cũng biết run sợ trước kẻ thù…”, nhưng hơn mọi con người bình thường, anh ta vượt qua được nỗi sợ hãi nhờ lòng yêu thương công lý quá cuồng nhiệt, quá mạnh mẽ. Đôi khi Bao Công cũng phải gạt lệ xử án một người mình đã thương yêu, nhưng ông không thể làm khác được. Trong cuộc đời có quá nhiều nỗi sầu nhân thế này, những người dân đau khổ vẫn hướng đến ông như một niềm hy vọng lớn nhất còn sót lại, như một ánh sáng dẫn đường ra khỏi bóng tối triền miên của bất công và tội ác, ông không thể vì tình riêng mà đập vỡ niềm tin tưởng của mọi người đối với sự công minh của pháp luật. Nhưng cũng có thể biện luận: “Công lý mà không được dung hòa bởi tình yêu thương thì chỉ là sự bất công tệ hại nhất”? Vấn đề đã đặt sai căn bản: công lý chính là lòng yêu thương, nó không phải và không nên đặt trong thế đối lập với lòng yêu thương. Quả thật, nếu công lý không xuất phát từ lòng yêu thương những con người bị bất công chà đạp thì nó không còn là công lý nữa.
                                                                                                    Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét