Hạnh phúc dài lâu

Hạnh phúc dài lâu
Thì thầm em hỏi nhỏ, Sao mặt hồ gợn sóng? Anh trả lời lấp lửng, Vì sóng cứ hôn bờ, Em nũng nịu ứ ừ, Khác cơ không phải thế, Anh nghiêng nhẹ mái đầu, Hôn môi em nồng cháy, Em ơi em có thấy, Sóng đang dậy trong tim

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2011

Chung Trâu-một mô hình kinh tế của làng xã Việt Nam

Tuổi thơ đã trôi qua nhưng hình ảnh về những ngày còn bé vẫn in đậm trong tôi. Hôm nay, với thời tiết lành lạnh tự xếp cho mình một góc nhỏ tôi ngồi nghĩ về tuổi thơ của mình và hình ảnh về con Trâu xuất hiện ngay trong đầu cùng với một nét văn hóa làng quê trước kia. Tuổi thơ gắn với chú Trâu thì gần như ai ở quê đều có và đó như là những dấu ấn đậm nét của mỗi người, tôi cũng vậy.

Con trâu là đầu cơ nghiệp

Quê tôi trước kia rất nghèo để có một con trâu riêng cho nhà mình không hề đơn giản chút nào, nghèo thì lấy đâu ra tiền mà mua trâu nhưng làm nông nghiệp mà không có trâu thì thật vất vả. Để làm được ruộng thì phải đợi những nhà có trâu cày bừa xong, có khi cấy xong mới dám mượn trâu để làm ruộng nhà mình hoặc có thể đi cấy cho nhà có trâu đổi lấy trâu để làm. Vất vả là vậy, biết vậy nhưng nghèo nên cũng không biết làm sao. Mơ ước mãi, cố gắng lắm nhà tôi cũng có được một nửa con trâu, nghe thì hơi lạ nhưng thời điểm ấy quê tôi hình thức chung trâu là phổ biến nhất, 2 nhà có thể là 3 và 4 gia đình chung một con trâu. Từ khi có trâu, dù rất còn bé nhưng tôi thật sự háo hức chỉ mong đến phiên nhà mình để đươc đi chăn trâu cùng bạn bè. Tôi thường xuyên bị ngắt quãng thời gian chăn trâu vì khi chung trâu thì mỗi nhà phải chăn theo phiên của mình có thể là 5 ngày, có thể là 10 ngày/một phiên. Trong những ngày bận rộn của nhà nông, trâu thuộc phiên của nhà nào thì nhà ấy có quyền sử dụng theo ý mình, có thể dùng trâu đổi công với người khác. Nhà chung trâu cùng, không có quyền quyết định khi trâu chưa đến phiên nhà mình, nhiều khi cũng bất tiện khi mà vào những ngày cao điểm nhất của cày bừa, hay cày bừa theo con nước thì lại chưa đến nhà mình được quyền sử dụng trâu. Để giải quyết tình trạng này nhiều gia đình đã bắt trâu phải cày bừa cả trưa, khi trâu được thả ra chuẩn bị một ít cỏ cho trâu ăn xong ngỉ ngơi một lát bắt quay lại cày bừa ngay. Hình thức chung trâu này cũng đã gây ra nhiều xích mích giữa các gia đình chung trâu với nhau, dẫn đến việc các gia đình bán trâu nhưng chỉ được bán phần của mình cho người khác khi các bên đã đồng ý.
Hình thức chung trâu rất phổ biến ở thập niên chín mươi của thế kỷ trước nhưng giờ ở quê tôi hình thức này không còn tồn tại, một phần do kinh tế phát triển hơn, một phần do cơ giới hóa nông nghiệp, trâu cũng ít được sử dụng trong cày bừa vì thế mà số lượng cũng giảm đi nhiều. Dẫu vậy, đây vẫn là nét văn hóa độc đáo, một mô hình kinh tế đặc trưng của làng quê Việt Nam trong thời gian dài mà ít người nhắc tới.
Hình ảnh nay

2 nhận xét:

  1. Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
    Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
    ''Ai bảo chăn trâu là khổ? ''
    Tôi mơ màng, mơ màng nghe chim hát trên cao

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết "Chung trâu" thật hay.Không biết nó có phổ biết ở những làng quê khác không hay chỉ ở Quảng Phúc mình thôi chú nhỉ?Cháu đọc xong lại thấy nhớ lại cái thời "chung trâu" ấy.Nhà cháu cũng chung trâu....hi...Cháu còn nhớ vì chung trâu nên có khi còn có những nhận xét về từng phiên của từng nhà, nhà này nói nhà kia không biết chăm trâu, trâu cứ gầy đi..hi..Ngày đó nhà cháu chung trâu với hai nhà nữa,một con trâu bạc to oi là to!Cứ mỗi khi đến mùa đông lại lo chống rét cho nó, sợ nó chết là một phần cơ nghiệp cũng chết theo.Cháu đi chăn nó thì có khi tắm sông bị mấy đứa dấu quần phải cỏi truồng về và bị đánh nữa chứ.Chia sẻ với bài viết chung trâu một vài kĩ niệm thấy lòng mình vui hơn, thấy tuổi thơ cũng đẹp hơn và thấy yêu quê hương yêu gia đình thật nhiều.Cảm ơn chú đã gợi lại hình ảnh quê hương.

    Trả lờiXóa