Tôi có ý kiến
Dạo này, các trang mạng
xã hội tràn ngập những vấn đề nóng: giao thông, giáo dục, y tế, tư pháp, đặc
khu...Xen vào đó là nỗi bất bình vì phát ngôn của các chức sắc " phân bổ
ngân sách nước nhà ở đỉnh cao minh bạch"( Đinh Văn Nhã), " đừng nhìn
đặc khu kinh tế từ góc nhìn quốc phòng an ninh"(Nguyễn Đức Kiên), dự án từ
72 tỉ đồng ngày phê duyệt đội lên 2.595 tỉ trong quá trình thực hiện " là
do cơ chế"(Nguyễn Thị Thanh)...Tâm trạng bất bình với các phát ngôn vô
trách nhiệm và kém hiểu biết ấy dần nhường chỗ cho những lo lắng về các đặc khu
kinh tế sắp được thông qua. Những tâm trạng ấy có căn nguyên của nó. Xin được
nói vài suy nghĩ của một công dân về điều này:
1. Ngày chống Pháp dân
ta nhận thức chưa cao như bây giờ nhưng khi Bác Hồ ra lời kêu gọi " chúng
ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu
làm nô lệ" thì dường như toàn thể công dân, không phân biệt tôn giáo, giai
cấp, dân tộc đều đứng lên đánh giặc cứu nước. Nhà nước thiếu tiền, nhân dân sẵn
sàng hiến vàng, tiền, nhà cửa ủng hộ. Tư tưởng " Tổ quốc trên hết" là
mệnh lệnh của mọi trái tim và trên thực tế nó là tình cảm và ý chí đoàn kết mọi
người tạo nên sức mạnh toàn dân tộc. Và chúng ta chiến thắng nhờ sức mạnh ấy.
Thời chống Mỹ, hàng
triệu gia đình đã hi sinh gia tài quý giá nhất là người thân của mình vì mục
tiêu giành độc lập cho đất nước. Nỗi đau của hàng triệu gia đình mất người thân
cũng nguôi ngoai khi đất nước thống nhất. Ngày ấy nhân dân dọc đường ra trận
sẵn sàng dỡ nhà làm đường, mở đường, giúp đỡ nhà nước với tinh thần "xe
chưa qua, nhà không tiếc". Chính Bác Hồ đã tổng kết " dễ trăm lần
không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Như vậy dân lo việc
nước, ý Đảng lòng dân hoà hợp tạo nên những giá trị vững bền không gì có thể khuất
phục.
2. Thời Đổi Mới chính
nhân dân đã mở đường phá vỡ tư tưởng quan liêu, bao cấp. Thực tiễn cuộc sống đã
tạo tiền đề để Đảng tiếp tục tư tưởng Đổi Mới đi xa hơn vì Đảng giữ vai trò
lãnh đạo. Ba mươi năm qua, Đổi Mới đã đưa đất nước ta phát triển nhưng tỉnh táo
nhìn lại thì không thể không thấy rằng lẽ ra ta có thể đi nhanh hơn, đạt nhiều
thành tựu lớn hơn nữa, nhân dân còn hạnh phúc hơn nữa, đất nước còn giàu mạnh
hơn nữa nếu trước những vấn đề trọng yếu của đất nước, lãnh đạo có những quyết
sách chính xác hơn trong các khâu quyết định chọn người đứng đầu, những quyết
sách về tổ chức, cán bộ, những chính sách kinh tế xã hội phù hơp. Những bài học
thất bại là kinh nghiệm quý để chúng ta tránh lặp lại những sai lầm cũ. Lịch sử
cần cho hiện tại là vì thế.
3. Sự suy thoái của xã
hội ở nhiều mặt quan trọng thời gian qua đến mức báo động không phải chỉ do tác
động của mặt trái cơ chế thị trường như những ghi nhận chính thống. Sự hư hỏng
của hệ thống bắt đầu từ những khiếm khuyết của chính hệ thống: không chọn được
cán bộ xứng tầm ở mọi cấp, không có cơ chế giám sát quyền lực, giao quyền lực
cho những người không xứng đáng ở cả năng lực lẫn tư cách. Vì thế họ ra những
quyết sách sai lầm, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển đất nước. Việc rất nhiều
cán bộ ở đủ các cấp vi phạm pháp luật, bị xử lý thời gian qua là những cái giá
quá đắt để chúng ta nhận ra gót chân Ashin trong hệ thống của mình. Việc nhân
dân ủng hộ Đảng chống tham nhũng là một tín hiệu mừng vì nhân dân đã biến những
bất bình của mình thành những đóng góp đầy tâm huyết và trí tuệ, vẫn coi Tổ
quốc trên hết là nghĩa lớn mà gạt những điều riêng tư sang một bên.
4.Nhìn lại những thất
bại trong chủ trương phát triển kinh tế mấy chục năm qua có thể thấy: có cái do
chủ trương sai, có cái do giao việc sai, có cái do nhận thức sai. Các Tổng công
ty với hi vọng là các quả đấm thép đã thất bại, trở thành gánh nặng, không biết
bao giờ mới khắc phục xong; Formusa thành thảm hoạ bây giờ vẫn phải giải quyết
và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; bauxite Tân Rai thất bại; bao nhiêu dự án của Bộ
Công thương, các tỉnh thành đội vốn, thua lỗ đẩy nợ công lên mức cao chưa từng
có(bình quân mỗi người hơn 30 triệu)... Tất cả những điều này đã được một số
chính khách, nhiều nhà khoa học, trí thức, nhân dân cảnh báo nhưng các cơ quan
tham mưu đều chứng minh những góp ý ấy là sai lầm, lãnh đạo vẫn quyết làm và
hậu quả thì ai cũng đã thấy. Nhưng đáng tiếc cho đến nay chưa có cơ quan nào
nhận sai mà chỉ có những cá nhân sai. Mà chủ yếu sai do tham nhũng. Tôi nghĩ
cần xem lại vấn đề này.
5. Tâm trạng lo lắng về
các đặc khu trong xã hội đang phổ biến. Có luật sư đã phân tích về sự chưa chặt
chẽ của dự thảo luật Đặc khu. Tôi không phải là chuyên gia luật, kinh tế, không
có nhiều thông tin như những người có trách nhiệm để lý giải việc nên hay không
nhưng trước tâm trạng xã hội không thể không suy nghĩ. Tại sao có nhiều người
lo ngại thời gian quá dài? Có đại biểu Quốc hội lo ngại đặc khu nếu không chặt
chẽ sẽ trở thành nơi di dân của nước ngoài. Rất nhiều người lo ngại Trung Quốc
sẽ lợi dụng để lách luật làm những điều tổn hại cho đất nước...Về điều này dù
ít hiểu biết tôi cũng xin kiến nghị như sau:
- Chưa bao giờ tôi tin
vào sự thành thật của giới lãnh đạo Trung Quốc từ xưa đến nay. Lịch sử thì rõ
rồi. Họ chỉ muốn biến nước ta thành quận huyện của họ. Mao từ những năm 50 của
thế kỷ trước đã lăm le thôn tính nước mình dù ngoài miệng vẫn đồng chí, anh em
hữu hảo với nhau( đọc lại bài ông Lê Duẩn nói về điều này). Đặng thì xâm lược
thực sự, không che đậy. Suốt dải biên giới với Trung Quốc có bao giờ yên vì
Trung Quốc luôn gây hấn, bày trò lấn chiếm. Tập thì sang ta nói ra vẻ hữu hảo,
vừa rời ta sang Singapore đã giở giọng khác, vừa vô pháp vô thiên, vừa mất tư
cách của một người đứng đầu quốc gia. Vừa mới tuần trước ở Shangri- La tướng
Trung Quốc tuyên bố thẳng muốn cướp cả Trường Sa của ta nữa.
-Mọi việc làm của Trung
Quốc trong kinh tế chỉ muốn ta suy yếu: bán cho ta các kỹ thuật về xi măng,
thép, giao thông...lạc hậu; cho thương lái tìm cách phá hoại như mua rẻ, ép
giá, đang giao thương bình thường thì ngừng lại; mua rễ hồi, móng trâu, dược
liệu theo kiểu tận diệt...
-Ở các khu công nghiệp
tại Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Tân Rai Trung Quốc đưa dân sang
dưới dạng du lịch rồi vào làm việc trái phép, gây ra những hậu quả xã hội đáng
lo ngại. Không chỉ là những hành vi vi phạm pháp luật cá lẻ mà mang tính hệ
thống, lâu dài. Tất cả những chuyện này Trung Quốc thực hiện công khai, trắng
trợn, nghênh ngang, toàn đặt chúng ta vào chuyện đã rồi.
Từ những điều đó, tôi
nghĩ những người có trách nhiệm, đặc biệt là Quốc hội, khi quyết những vấn đề
lớn liên quan đến chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia cần hết sức thận trọng.
Các đại biểu Quốc hội do nhân dân bầu ra, trước những vấn đề lớn như vậy cần
lắng nghe những cử tri của mình. Nếu trưng cầu dân ý chưa thích hợp thì nên cử
các đoàn đi tiếp xúc với cử tri(đừng chọn đại biểu như những lần tiếp xúc thông
thường vì sẽ không nghe được hết ý kiến cần nghe đâu) để lắng nghe tâm tư của
dân thế nào. Tôi có quyền nghi ngờ nhiều đại biểu vì nghe họ phát biểu, trả lời
phỏng vấn thấy họ hiểu về vấn đề này rất lơ mơ, thậm chí nói sai cả chủ trương
của Đảng. Họ mà thay dân quyết định những vấn đề này, tránh sao không sai được?
6. Trước hoạ xâm lăng
của nhà Minh, cha con Hồ Quý Ly có hỏi nhau về kế sách giữ nước. Hồ Nguyên
Trừng đã trả lời cha" tôi không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo".
Mối lo ấy có thật, nhà Hồ thất bại vì không được dân theo và đẩy đất nước vào
hoạ bị ngoại bang thống trị. Nguyễn Trãi nhận định " chính sự phiền
hà" và " lòng dân oán hận" đã là nguyên nhân mất nước vì kẻ thù
chỉ mong có thế.
Xin Quốc hội nghiên cứu
thật kĩ, có quyết sách đúng vì trên vai Quốc hội là số phận của một đất nước
với hơn 90 triệu dân. Mong rằng trong tim các vị vẫn nóng tư tưởng sáng suốt từ
khoá đầu tiên đã xác định Tổ quốc trên hết.
PGS.TS
Phạm Quang Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét